Tôi giật mình, choàng tỉnh giấc sau cơn mơ bủa vây mình bằng mớ âm thanh hỗn độn và nháo nhác. Nó khiến tôi lạnh gáy, kinh hãi. Tôi luống cuống quay sang nhìn cu Tí với nỗi hoảng sợ những con người trong giấc mơ sẽ cướp đi chỗ dựa duy nhất của tôi lúc này. Họ không phải chỉ tồn tại trong giấc mơ. Họ đang bủa vây tôi từng ngày: mỗi sáng, mỗi chiều và mỗi tối. Họ cứa vào lòng tôi bởi những cái nhìn và lời nói sắc nhọn như dao. Họ là cô dì chú bác của chồng tôi và cũng là những người hàng xóm, chỉ vài bước chân qua cổng là tôi sẽ gặp họ.
Từ ngày sinh cu Tí, tôi phải về nhà nội ở thay vì sống trên thành phố như trước. Dẫu sao không khí ở quê cũng trong lành, nhà cửa rộng rãi, thoáng đãng. Tôi cứ nghĩ đây cũng sẽ là khoảng thời gian tôi được gần gũi mẹ chồng nhiều hơn và học hỏi được kinh nghiệm nuôi con. Nhưng quả là “xa thương gần thường”. Khi tôi còn là dâu mới, sống trên thành phố cùng Trung, mẹ chồng thường gọi điện, giọng vui phơi phới. Mỗi lần tôi về thăm, bà đều niềm nở từ trong ánh mắt. Tôi cứ nghĩ mình đã có một hạnh phúc thật trọn vẹn. Nhưng chỉ sau 1 tháng ở gần mẹ chồng, tôi đã nhận ra những vết nứt trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Mấy cô, dì của Trung cũng góp phần làm những vết nứt ấy toác thêm ra. Bất kể việc làm nào của tôi cũng bị họ xét nét, soi mói. Đến giờ nấu ăn, cu Tí quấy khóc, tôi chỉ lên nhà dỗ con một chút, mẹ chồng đã cằn nhằn: “Việc làm không hết còn ôm nhau suốt ngày thế, lấy cái gì mà ăn?”. Tôi chỉ biết lặng lẽ chịu đựng và tự nhủ rằng cu Tí chững chạc thêm chút nữa thì Trung sẽ đón hai mẹ con tôi lên thành phố đoàn tụ.
Cho đến một ngày, Trung nhắn với tôi rằng sẽ mở một cửa hàng nho nhỏ ở quê để tôi cùng mẹ chồng cùng quản lý, đồng nghĩa rằng cuộc sống của tôi sẽ bám chặt lấy mảnh đất “ngột ngạt” này. Trung bảo: “Anh không an lòng về mẹ, muốn mẹ có công việc để bớt buồn” nhưng tôi còn cả một tương lai của mình kia mà. Tấm bằng đại học từ đây sẽ nằm yên trong ngăn tủ ư? Ước mơ rồi sẽ phải giấu kín và mãi mãi không bao giờ có cơ hội trở thành hiện thực sao?
Vài ngày sau, bố tôi đổ bệnh. Tôi xin phép mẹ chồng đưa cu Tí về quê ngoại thăm nôm vài ngày. Mẹ chồng tôi có vẻ không vừa lòng nhưng lý do ấy buộc bà phải đồng ý. Trước khi tôi đi, bà ra lệnh cuối tuần phải đưa cháu về. Tôi ngậm ngùi lên xe. Trên chuyến xe ấy, tôi không ngừng nghĩ đến ý định bỏ chồng. Tôi không muốn quay trở lại chốn ấy nữa.
Cuối tuần, tôi không đưa cu Tí về nội. Mẹ chồng liên tục gọi điện thúc giục. Trong những cuộc gọi của bà không lần nào hỏi han bố tôi được một câu. Bố tôi bỗng bệnh nặng hơn, một mình mẹ xoay sở đưa bố đi viện. Bỗng nhiên, tôi thấy mình bất lực quá. Điện thoại vẫn đổ những hồi chuông khiến tôi rùng mình. Âm thanh ấy như đang dồn đuổi tôi vậy. Tôi không dám nhìn vào màn hình điện thoại, chỉ biết ôm con mà khóc nức nở.
Đúng lúc đó, Trung bất ngờ xuất hiện trước tôi và con. Những dồn nén và giấu kín bấy lâu bỗng tuôn ra theo những giọt nước mắt trên vai Trung. Cứ khi tôi như sắp sửa gục ngã, Trung lại có mặt. Dẫu tôi có ở nơi nào, chỉ cần bên Trung thì lòng tôi sẽ bình yên.
Trung cùng tôi và mẹ chăm lo cho bố đến lúc ông được xuất viện rồi Trung đưa mẹ con tôi về nhà nội, xin phép mẹ anh đưa tôi và cu Tí lên Hà Nội. Trung thủ thỉ với mẹ: “Khi nào mẹ mệt, chúng con sẽ đón mẹ lên nhà chúng con. Còn bây giờ, bất kỳ lúc nào thu xếp được, chúng con sẽ đưa cháu về quê thăm mẹ”. Cách giải quyết của Trung đã chấm dứt những mâu thuẫn vừa nhen nhóm giữa tôi với mẹ anh.