Chớ phụ “trường làng”

cho-phu-truong-lang

Ngày vào lớp một, tan học không ai đón nên tôi đi lạc, may gặp bà bán tàu hũ rong quen biết dẫn về.

Đã ba mươi mấy năm kể từ ngày đầu tôi bỡ ngỡ bước chân vào cổng trường tiểu học. Từ nhà tôi đi bộ đến trường chỉ khoảng 5 phút. Hồi đó, cái thời xe đạp nhiều hơn xe máy và tối tối bọn trẻ chúng tôi phải chạy đi tìm nhà nào có tivi để vào xem ké, phụ huynh hoàn toàn không phải bận tâm chuyện con mình nên học ở đâu (mà cũng không có thời gian để bận tâm). Trẻ đến tuổi thì đương nhiên vào học ở trường gần nhà nhất. Chỉ ngày đầu là ba mẹ chờ cô giáo quen dẫn tôi đến trường, lúc tan trường không ai đón nên tôi đi lạc, may gặp bà bán tàu hũ rong hay gánh vào xóm dẫn về. Những ngày sau tôi đều tự đi, tự về.

Trường tôi có không đến mười lớp học. Ngay sát cổng, phía tay phải là phòng ban giám hiệu, đi thêm vài bước sẽ thấy khu chánh điện bên tay trái với những bức tượng Phật lớn. Chẳng là Nhà nước mượn khuôn viên chùa để làm trường học nên trong trường có chùa hay nói đúng hơn là trong chùa có trường. Trường nhỏ nhưng hay tổ chức nhiều hoạt động như thi đố em và biểu diễn văn nghệ. Tôi không giỏi ca hát nhưng là cây thuộc bài nên không bao giờ vắng mặt trong các cuộc thi đố em.

Vì tất cả gia đình đều cho con học ở trường gần nhà nhất nên lớp tôi có đủ thành phần xã hội, từ con cán bộ công chức đến con nhà lao động. Phải nói luôn là nhà tôi thuộc top nghèo. Mỗi khi đi qua con hẻm vào nhà tôi, đám học sinh trường tôi thường chỉ vào nói: “Trong đó ghê lắm, xóm nghĩa địa đó”.

Thật vậy, trước mặt nhà tôi là một khu nghĩa địa và đi qua khu nghĩa địa đó sẽ đến xóm ve chai (nghề chính là mua bán ve chai, nghề phụ là làm thuê, gánh nước mướn). Với bọn trẻ xóm tôi, chửi thề và đánh lộn là chuyện thường, song chị em tôi không đứa nào dám nhiễm thói hư vì ba tôi sẵn sàng phạt đòn. Ba rất chú trọng việc học và đã sớm dạy chúng tôi ý thức rằng chỉ có học giỏi mới thoát nghèo.

Tôi cũng sớm hiểu rằng nghèo dễ bị coi khinh nên học rất giỏi, luôn đứng nhất lớp và luôn có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi đi thi cấp quận. Vì trường nhỏ, mỗi khối chỉ có vài ba lớp nên những bài văn hay của tôi luôn được thầy cô chuyền tay nhau đọc cho các lớp khác nghe, bởi vậy mà tôi nổi tiếng khắp trường, thầy cô rất cưng. Khỏi phải nói ngày đó tôi có uy như thế nào, bạn bè nể phục và chẳng ai để ý đến chuyện tôi ở xóm nghĩa địa.

Đến nay, tôi vẫn còn qua lại với mấy người bạn học chung từ lớp một đến lớp chín (vì nhà chúng tôi gần nhau nên học chung trường). Tôi vẫn là đứa học cao nhất và là đứa duy nhất trong nhóm làm công việc có thể nói là trí thức.
Mới đây, cô bạn làm nghề buôn bán nói với tôi về chuyện cho con vào lớp một, là một trường ở khá xa mà cô ấy phải mất công đưa rước. Tôi hỏi sao không cho học trường gần nhà, chỉ dắt qua đường là tới (chính là trường chúng tôi học ngày xưa nhưng nay được dời vị trí và xây mới to, đẹp hơn) và giật mình khi nghe cô trả lời: “Thôi, trường đó toàn dân xóm ve chai không hà, sợ nó học không được lại hư mất” (khu tôi ở bây giờ không còn nghĩa địa và xóm ve chai, mặt bằng nhìn chung xếp vào loại xóm lao động). Một anh bạn khác trong nhóm thì bảo tôi rằng không muốn cho con học vào trường cấp hai mà chúng tôi học ngày trước vì “nó phức tạp lắm”.

Trời, hình như hai người ấy đều quên mất chính tôi xuất thân từ xóm nghĩa địa và cả nhóm chúng tôi đã học qua những “trường làng” đó! Không biết từ lúc nào, người ta lại mang nặng thành kiến tránh xóm lao động và chọn trường điểm mà quên rằng sự giáo dục ở gia đình mới là quan trọng nhất và có thể quyết định tất cả.

Cái được của “trường làng”:

  • Thông thường, “trường làng” ở gần nhà và bạn không phải tất bật chạy trường cho con. Con cũng sẽ đi học gần hơn và có thêm thời gian vui chơi.
  • Ở các ngôi trường này, thầy cô cũng ít khi chạy đua thành tích như trường điểm nên con bạn ít bị áp lực điểm số, thi cử.
  • “Trường làng” cũng thường ít học sinh hơn nên thầy cô giáo có điều kiện quan tâm hơn đến từng học sinh.