Phong cách cá nhân sẽ cùng bạn ra cửa mỗi sáng

Ăn ngon mặc đẹp là nhu cầu của phụ nữ. Tuy nhiên, chuyện ăn mặc cũng mang lại “thảm họa”. Làm sao để có thể đẹp lên mỗi ngày? Mời bạn tham gia vào cuộc trò chuyện với nhà thiết kế (NTK) Vincent Đoàn, nhiếp ảnh gia (NAG) Phạm Hoài Nam và stylist Hensi Le để hiểu hơn về xu thế thời trang và phong cách thời trang cá nhân.

* Anh chị có nhận xét gì về phong cách ăn mặc của phái đẹp Việt Nam những năm gần đây không?

Stylist Hensi Le: Phong cách ăn mặc của phái đẹp Việt có nhiều sự phát triển, tiếp thu xu hướng thế giới. Và các thương hiệu thời trang thế giới được đưa về Việt Nam ngày càng nhiều giúp các bạn có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên hiện nay, phong cách thời trang tiêu biểu của phái đẹp tại Việt Nam vẫn là thời trang công sở dịu dàng nữ tính nhưng hiện đại, tối giản hơn bởi sự ảnh hưởng mạnh mẽ của phong cách minimal-tối giản.

NTK Vincent Đoàn: Phụ nữ Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trong xã hội. Chính vì thế họ quan tâm đến phong cách ăn mặc nhiều hơn. Từ những bà nội trợ cho đến nhân viên văn phòng, ai cũng mong muốn mình luôn đẹp trong mắt bạn bè và cánh đàn ông. Bên cạnh đó, thời trang Việt đang ngày càng hội nhập và bắt nhịp xu hướng thời trang thế giới nhanh chóng, nên tôi sẽ không ngạc nhiên nếu gặp vài cô thư ký xúng xính cùng những chiếc túi Chloe hay Chanel ngoài phố.

NAG Phạm Hoài Nam: Đa số phụ nữ đều muốn làm đẹp và có ý thức làm đẹp, nhưng ngoại trừ một số người có kiến thức tốt về thời trang, phần còn lại thường mặc chải chuốt nhưng sai. Có trường hợp mặc đồ dạ hội ra sân bay, có người dùng quần áo đánh golf vào phòng tập để chạy bộ, có thể vẫn được, nhưng nhìn nó sai sai, kỳ kỳ.

* Khi đánh giá phong cách ăn mặc của người này, người kia ta thường nghe nói người này có “gu” người kia “không có gu”. Vậy theo anh/chị, gu hay phong cách cá nhân là gì?

Stylist Hensi Le: Phong cách cá nhân chính là thông điệp mà người đối diện nhận được khi lần đầu tiếp xúc. Đó có thể là một hình ảnh chỉn chu, gọn gàng hay cầu kỳ, phá cách. Người có “gu” thường có thẩm mỹ tốt trong cách chọn lựa và sử dụng trang phục cho bản thân, phù hợp với tính cách và môi trường. Họ có thể theo các phong cách khác nhau nhưng khi họ xuất hiện, ngoại hình được tạo thiện cảm và gây ấn tượng với  người đối diện.

stylist-hensi-le

NTK Vincent Đoàn: Phong cách cá nhân là thứ sẽ cùng bạn bước ra khỏi cửa mỗi sáng, đi đến trường hay công sở, khiến bạn tự tin và thể hiện được sở thích, địa vị của bạn mà không cần tốn một lời để giới thiệu. Người có gu là người theo đuổi hoặc xây dựng cho mình một hình tượng, một tinh thần thời trang riêng. Không phải cứ mặc đẹp là có gu mà cũng không phải cứ có gu thì sẽ hợp mốt. Người có gu sẽ dễ dàng được nhận dạng thông qua phong cách ăn mặc của họ. Gu thời trang nên là thứ phản ánh chính xác nhất con người bạn chứ  không phải thứ che lấp cá tính của bạn.

NAG Phạm Hoài Nam: Theo tôi, phong cách cá nhân là cách hành xử, ăn nói, phục sức, đi đứng… của một người trong các trường hợp cụ thể mà thông qua các cử chỉ, hành động và bề ngoài, người đối diện sẽ có một tâm thể đáp lại tùy cách thể hiện. Một người trong một buổi tiệc tối sang trọng mà dùng phong cách đường phố với giày thể thao và áo khoác thun sẽ được chào đón khác với người mặc một bộ suit lịch lãm được chăm chút tóc tai cẩn thận. Cách người ta chọn lựa sẽ làm gì, mặc gì nói lên năng lực tư duy, thẩm mỹ cũng như khả năng vận dụng những kiến thức cá nhân của người đó trong cuộc sống, làm cho người khác thích hay không thích mình.

* Như vậy rõ ràng phong cách cá nhân khá quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến công việc cũng như đời sống riêng của mỗi người?

Stylist Hensi Le: Phong cách cá nhân là điều nên có để mình không bị hòa lẫn trong một đám đông hay ít nhất gợi cho người khác một hình ảnh rõ ràng khi được nhắc đến.

NTK Vincent Đoàn: Mặc đẹp chính là sự tôn trọng đối với người đối diện. Việc xây dựng phong cách riêng có thể là một cuộc hành trình dài đi kèm với việc khám phá nhiều thứ khác, nhưng nên dừng cuộc chơi ấy càng sớm càng tốt. Tùy vào công việc, sở thích mà bạn nên cân nhắc để chọn lựa ra phong cách phù hợp với hoàn cảnh và túi tiền của mình.

NAG Phạm Hoài Nam: Phong cách cá nhân ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống chính cá nhân đó. Một người có cách sống hòa đồng, thân thiện, từ phục sức đến lời ăn tiếng nói đều toát ra sự tin tưởng, bao giờ cũng sẽ được yêu mến và nhanh chóng chiếm được cảm tình của người xung quanh hơn một người có vẻ ngoài xù xì, ăn nói cộc lốc, xa lạ.

* Anh chị quan niệm thế nào là một phụ nữ ăn mặc đẹp?

Stylist Hensi Le: Tôi có thể nói ngay và luôn người ăn mặc đẹp là người hiểu rõ cơ thể mình, khiến quần áo tôn vinh lên điểm mạnh và che mờ những khuyết điểm. Bên cạnh đó họ còn phải có thần thái phù hợp với thứ họ mặc và phù hợp với nơi họ đến.

NAG Phạm Hoài Nam: Theo tôi đó là người biết cách chăm chút bản thân, mặc trang phục tôn dáng, phù hợp với môi trường xung quanh nhưng không quên cá tính riêng. Bạn không cần có thân hình hoàn hảo như một người mẫu, nhưng ăn mặc sao để người ta dễ dàng nhận ra bạn giữa một rừng hương sắc là rất khó. Ăn mặc có cá tính là một bài toán mà lời giải có dung sai lớn, trong đó chỉ số lớn nhất để đáp án trở nên đúng dù cách giải có ra sao chính là bạn có đủ mạnh mẽ và tự tin để phô bày cá tính ấy trên trang phục của mình hay không.

* Xưa nay, ta hay thấy diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng… nói chung là những đối tượng có thời gian, tiền bạc và cần chăm chút hình ảnh mới cần stylist. Theo anh chị, những người bình thường có cần stylist cho mình không?

Stylist Hensi Le: với Hensi, không hẳn mọi người đều cần có stylist riêng nhưng có thể bạn sẽ cần một người tư vấn về hình ảnh hoặc định hướng phong cách. Họ sẽ giúp bạn tìm được hình ảnh cho bản thân và duy trì – phát triển nó cho đến khi bạn đã hiểu bản thân muốn gì và cần gì.

NTK Vincent Đoàn: Việc thuê stylist đa phần không được người bình thường chú trọng. Với nhiều người, bề ngoài chỉ là thứ yếu, họ quan tâm đến những giá trị khác nhiều hơn. Nhiều người mặc trang phục chỉ đơn giản là để được chấp nhận. Tuy nhiên, sẽ có dịp đặc biệt họ thấy mình cần đến sự trợ giúp của các stylist.

NAG Phạm Hoài Nam: Trước khi chuẩn bị đi đâu đó, bạn bè sẽ đến lựa dùm một bộ đồ trong tủ hay họ sẽ góp ý khi bạn chọn một bộ váy nào đó… Ai cũng có một người bạn như vậy và đây chính là không gian của một stylish.

* Song song với việc hỗ trợ tạo phong cách cá nhân, gần đây ở Việt Nam xuất hiện một công việc khá mới mẻ và thú vị: trợ lý mua sắm (personal shopper). Vậy trợ lý mua sắm có gần với công việc của một stylist không?

Stylist Hensi Le: Hiện tại personal shopper là một nghề khá mới mẻ ở Việt Nam, thật sự rất ít người biết đến và thậm chí nghĩ là “thừa thải” trong cuộc sống. Tuy nhiên với sự hội nhập và sự phát triển mạnh của thời trang tại Việt Nam như hiện nay, nhu cầu được mặc đẹp và đúng là điều tất yếu và sẽ ngày càng phát triển mạnh. Personal shopper là người đi mua sắm cùng khách hàng và định hướng sản phẩm khách hàng cần mua theo từng dịp cũng như mục đích của lần mua sắm đó.

NTK Vincent Đoàn: Trợ lý mua sắm: đó là người hiểu cơ thể của bạn nhất từ màu tóc, màu da, kích thước và hình dáng cơ thể, cả tính cách, công việc của bạn. Họ sẽ giúp bạn dễ dàng tìm được những món đồ thời trang phù hợp nhất khi đi mua sắm. Nghề này khá mới ở Việt Nam và chưa thật sự được công nhận.

vincent-doan
Nhà thiết kế gốc Việt Vincent Đoàn, người có nhiều năm làm việc cho những nhãn hiệu lớn của Mỹ. NTK của các cuộc thi sắc đẹp Miss World Vietnam, Vietnam Next Top Model từ năm 2010

NAG Phạm Hoài Nam: Trợ lý mua sắm (personal shopper) là người gần giống như stylish, nhưng ngoài chuyện hiểu về phong cách thời trang cũng như gu ăn mặc, thì họ sẽ có thêm những kiến thức về các nhãn hiệu, các cửa hàng, ở đâu, bán gì, giá bao nhiêu và khả năng tổng hợp các dữ liệu đó trên các yêu cầu của thân chủ, để từ đó, trong thời gian ngắn nhất, có được một chọn lựa mua sắm hoàn hảo. Ở thời đại mà thời gian là vàng thì việc có một trợ lý như vậy sẽ tiết kiệm được một “tài sản” khổng lồ. Còn gì tuyệt hơn thế.

* Cũng liên quan đến thời trang, phụ nữ luôn cần một hình mẫu để học hỏi, để hướng tới. Anh chị có thể chia sẻ anh chị thích nhất phong cách thời trang của ai tại Việt Nam hay không?

Stylist Hensi Le: Hensi rất thích phong cách thời trang của chị Trần Hà Mi – một hình tượng thời trang được mọi người quan tâm. Chị có một định hướng hình ảnh trang nhã nhưng vẫn cá tính. Không cần khoác lên mình những bộ đồ hiệu đắt tiền nhưng cách chi phối trang phục và phụ kiện rất tinh ý.

NAG Phạm Hoài Nam: ở VN, các người mẫu, diễn viên nổi tiếng đều có stylish riêng nên việc ăn mặc được chăm sóc khá tốt, nhưng nổi bật về cách chọn lựa đúng và đủ trong mọi trường hợp có lẽ vẫn là Hà Hồ và Hà Tăng. Ngoài ra, dạo sau này có một số người ngày càng đẹp hơn là Xuân Lan, Thanh Trúc. Trong số nam giới, tôi thích phong cách của anh Thuận Nguyễn, rất nam tính nhưng lại có những chi tiết điệu đà ngầm mà không phải ai cũng đủ tinh tế mà quan tâm đến.

* Cuối cùng, Hensi có thể chia sẻ với bạn đọc một số mẹo phối phụ kiện cơ bản trong trang phục không?

Có thể phối phụ kiện và trang phục theo các công thức đơn giản sau:

  • Với những bộ trang phục đơn giản, tối màu hãy kết hợp với phụ kiện kim loại hoặc đá màu sáng nhỏ, đơn giản cho những set đồ hằng ngày.
  • Không nên phối trang sức vàng với những bộ trang phục màu rực rỡ như xanh chuối, cam hồng, hay trang phục có họa tiết rối rắm.
  • Với những buổi tiệc hay dịp đặc biệt, trang sức bản to hoặc lấp lánh sẽ giúp bạn trở nên nổi bật. Nhưng đừng quá tham phụ kiện nếu bộ trang phục đã quá rườm rà. Hãy nhớ trang phục nặng – trang sức nhẹ và ngược lại.

* Xin hỏi Vincent Đoàn, chị em thường hay mắc khá nhiều sai lầm trong mua sắm. Có thể họ mua một món nào đó vì rất thích ngay tại thời điểm ấy, nhưng sau đó lại không mặc một lần nào… Anh có lời khuyên nào cho chị em không?

– Theo tôi, việc đầu tiên các chị hãy xem xét tài chính, tính đa năng, giá trị thương hiệu mà món đồ đó mang lại cho bạn là gì? Nếu không thể ngừng nghĩ về nó, hãy mua nó!