Không đơn giản là một phương tiện giải trí, âm nhạc còn tác động rất lớn đến tinh thần và sức khỏe của con người. Sử dụng âm nhạc như một liệu pháp chữa bệnh từ lâu đã trở thành vấn đề nghiêm túc được các nhà khoa học nghiên cứu. Không phải ngẫu nhiên mà nhạc giao hưởng của Mozart hay Beethoven được nhiều người khuyên dùng cho thai nhi trong bụng mẹ và trẻ nhỏ.
Âm nhạc gồm ba thành phần có thể tác động đến người nghe là giai điệu, ca từ và tần số. Ngoài ra, hiệu quả tác động còn tùy thuộc vào lứa tuổi, trình độ văn hóa. Một bài hát cho thiếu nhi có lẽ không thể giúp một người tuổi 60 thư giãn vì cách lĩnh hội âm nhạc giữa hai lứa tuổi khác xa nhau. Dĩ nhiên, còn phải kể đến yếu tố khác không kém phần quan trọng ảnh hưởng đến tâm sinh lý con người là cường độ âm thanh, vì bản chất của âm nhạc vẫn là một dạng âm thanh. Không ai có thể thưởng thức nổi bản Sonate ánh trăng với volum cực đại.
Âm nhạc tác động như thế nào?
Tăng cường hệ miễn dịch: Nghe nhạc giúp giảm hàm lượng hormon gây ra stress cho cơ thể là cortisol. Cụ thể, âm nhạc có thể tác động tích cực tới chức năng của trục dưới đồi – tuyến yên, hệ thần kinh giao cảm và hệ miễn dịch. Đây là những khu vực chi phối chức năng điều tiết cơ chế hoạt động của quá trình chuyển hóa và cân bằng năng lượng trong cơ thể.
Làm tăng ngưỡng chịu đau của não bộ: Nói một cách đơn giản là giúp con người chịu đau tốt hơn vì âm nhạc ảnh hưởng tốt đến vùng kiểm soát cơn đau ở não. Mở nhạc trong phòng hồi sức giúp người bệnh bớt lo lắng, bớt đau, nhờ đó có thể ít dùng thuốc giảm đau hơn. Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng âm nhạc có thể đẩy nhanh tốc độ lành bệnh thông qua việc thúc đẩy cơ thể giải phóng chất endorphine, một loại thuốc giảm đau nội sinh. Các nghiên cứu thống nhất là cả hai bán cầu não đều có tham gia vào việc tiếp nhận âm nhạc.
Âm nhạc giúp tâm hồn thanh thản, đặc biệt với loại nhạc có tiết tấu chậm có thể làm thay đổi tốc độ của sóng não, khiến cho hoạt động của sóng não gần giống như một người đang thiền định hay đang trong trạng thái bị thôi miên. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, thể loại nhạc hoặc sự ưa thích cá nhân tỏ ra không quan trọng bằng chính tiết tấu, giai điệu của bản nhạc. Ngoài ra, mỗi hoàn cảnh cụ thể chỉ thích hợp với một loại nhạc khác nhau mà chỉ cá nhân người đó có thể chấp nhận. Cho nên, thay vì nghe nhạc nhẹ, trên thực tế, một số người lại thích nghe nhạc rock vì vợi họ, loại nhạc này giúp họ thấy hưng phấn và làm việc hiệu suất cao hơn.
Nhiều nhà nghiên cứu còn nhận thấy rằng, các quãng nghỉ ngắn giữa những đoạn nhạc giúp con người trấn tĩnh tốt hơn, từ đó giúp cải thiện sự cân bằng giữa hai trạng thái hưng phấn và ức chế của cơ thể. Điều này đặc biệt đúng với những người có năng khiếu âm nhạc hoặc được đào tạo bài bản về âm nhạc.
Cải thiện trí nhớ và giúp người nghe nhạc tập thể dục chăm chỉ hơn. Các nghiên cứu đã tiến hành trên những người từ 63 – 80 tuổi và đều ghi nhận là không có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh Alzheimer (một loại bệnh mất trí nhớ và sa sút trí tuệ ở người cao tuổi) trên các đối tượng thí nghiệm. Ngoài ra, nghe nhạc khi đang tập thể dục có thể giúp người tập chăm chỉ hơn và tập được lâu hơn so với người không nghe nhạc.
Âm nhạc còn giúp giảm nhẹ bệnh trầm cảm, cải thiện giấc ngủ, giảm lo âu và hạ huyết áp. Âm nhạc giúp cơ thể thư giãn thông qua việc làm cơ thể xao lãng, phân tán tư tưởng của người bệnh để quên đi cơn đau hoặc tâm trạng khó chịu.
Nhận thức theo y học cổ truyền
Y thư từ xưa để lại cho thấy cổ nhân đã biết cách sử dụng âm nhạc trong cuộc sống, từ thời bình cho đến thời chiến. Thời Hán Sở tranh hùng, mấy vạn chiến binh thiện chiến của Tây Sở Bá vương Hạng Võ đã xếp giáo tan hàng chỉ sau một đêm nghe khúc nhạc tiêu réo rắt của Trương Lương nói về nỗi nhớ quê nhà và người thân ở hậu phương.
Sách Hoàng Đế Nội kinh là bộ y dược thư cổ đại của y học phương Đông cũng đã bàn đến tính chất của âm nhạc theo phạm trù nhân thân khí hóa, tức là phân tích âm thanh theo lý luận ngũ hành và tạng tượng. Theo sách này, mỗi loại thanh và âm đều có quan hệ nhất định tới các tạng phủ trong cơ thể, ứng theo luật ngũ hành, khái quát như sau:
Tạng Can ứng với âm Giốc (Mộc nhạc): có tính cách huyền ảo, âm điệu vời vợi, vô thường, âm hưởng mênh mang, da diết.
Tạng Tâm ứng với âm Chủy (Hỏa nhạc): âm ngôn khỏe khoắn, tươi vui, âm điệu sống động.
Tạng Tỳ ứng với âm Cung (Thổ nhạc): có âm điệu hồn nhiên, vô tư, ồn ào, mang âm hưởng tươi tắn, lạc quan tràn đầy hy vọng.
Tạng Phế ứng với âm Thương (Kim nhạc): có âm ngôn tha thiết và bi ai, âm điệu trầm bổng, ngọt ngào, mang âm hưởng thanh thoát, tao nhã.
Tạng Thận ứng với âm Vũ (Thủy nhạc): có âm ngôn day dứt, sầu thảm, âm điệu ảm đạm, rên rĩ, mang âm hưởng ủ dột, thê lương, tuyệt vọng.
Việc chọn nhạc để nghe cho… khỏe là tùy thuộc mỗi người. Như mọi liệu pháp khác, âm nhạc cũng có mặt trái, do đó cần tỉnh táo và cảm nhận bằng cả tâm hồn và thể xác loại nhạc nào tốt nhất cho mỗi cá nhân. Và không phải cứ nghe nhạc suốt ngày là có hiệu quả tốt, nhất là nghe bằng tai nghe. Thưởng thức âm nhạc đòi hỏi phải có không gian thích hợp và thời điểm phù hợp. Tuy nhiên, ai cũng công nhận là nghe vài bản nhạc sôi động vào buổi sáng chính là liều thuốc tăng lực đáng kể đối với hệ thần kinh và toàn bộ cơ thể. Và một chút nhạc nhẹ khi làm việc căng thẳng sẽ giúp thư giãn, sau đó sẽ dễ tập trung vào công việc hơn.
Với nhiều người, âm nhạc ngoài tác dụng thư giãn khi làm việc mệt mỏi còn là một loại thuốc an thần cực kỳ hiệu quả cho những đêm mất ngủ. Còn các bạn thì sao?