Du khách đến Nhật vào mùa hè đều thích thú với món mì Somen bởi cách thưởng thức độc đáo có một không hai.
Mì là một thế giới vô cùng phong phú ở Nhật Bản, là nét đặc trưng cho nền văn hóa ẩm thực Nhật. Từ những loại mì khác nhau như Udon, Soba, Ramen, Somen, Hiyamigi và Yakisoba, người ta có thể sáng tạo ra hàng trăm loại mì xào hoặc mì nước với thành phần nước xúp và thức ăn kèm mì khác nhau. Có loại ăn nóng phổ biến vào mùa đông để xua tan bớt giá lạnh, cũng có loại ăn lạnh thích hợp để giải nhiệt vào mùa hè. Loại nào cũng thơm ngon hấp dẫn.
Somen là loại mì được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào Nhật từ hàng ngàn năm trước. Mì Somen màu trắng, làm từ bột mì. Điểm khác biệt giữa mì Somen với mì Hiyamigi và mì Udon là sợi mì rất nhỏ, đường kính chỉ vào khoảng 1,3 mm. Ngoài ra cách tạo hình của mì Somen cũng phức tạp, sợi mì được kéo dãn để làm mỏng và phải qua 30 công đoạn khác nhau, kéo dài trong 36 giờ đồng hồ mới hình thành. Ở Nhật, mì Somen thường được dùng để ăn lạnh, nhúng trong nước xốt lạnh. Đặc biệt, thời gian chế biến mì Somen rất nhanh, món ăn thường đơn giản nhưng tươi mới. Khi dùng vào mùa hè, cái mát lạnh của mì giúp người ăn cảm thấy dễ chịu trong thời tiết nóng bức.
Một món ăn nổi tiếng trong những hoạt động ẩm thực ngoài trời vào mùa hè ở Nhật là món mì nước chảy Nagashi Somen. “Nagashi” trong tiếng Nhật có nghĩa là chảy. Mì Somen được đặt trong những máng nước bằng tre chứa nước đá lạnh và sạch, hệ thống ống tre được thiết kế để tạo thành dòng chảy. Khi người đầu bếp thả mì và thức ăn vào ống tre ở một đầu, mì sẽ trôi theo dòng nước chảy đến cuối đầu kia, thực khách đứng hoặc ngồi ở hai bên máng nước sẽ dùng đũa để vớt mì và thức ăn, nhúng vào chén nước xốt để dùng. Ngày nay, để đơn giản và vệ sinh, nhiều nơi thay bằng ống nhựa hoặc phủ lớp giấy tráng bạc trong lòng ống.
Xem ra thì khá đơn giản, nhưng thực khách phải khá khéo léo và nhanh nhạy mới có thể vớt được mì, do sợi mì trơn nên dễ trôi tuột xuống. Mì chảy đến máng mà không vớt hết thì bỏ luôn, không dùng lại, nên thực khách còn bị một “áp lực” khác là cố vớt mì cho nhanh, nếu không sẽ lãng phí. Mỗi khi chuẩn bị thả mì, người đầu bếp thường hô to để thực khách chuẩn bị, như bắt đầu một cuộc chạy đua hào hứng. Thức ăn thường là rau củ quả như cà chua, dưa leo, đậu bắp… Tùy theo cách chế biến, thức ăn mỗi nơi mỗi khác, miễn là hợp khẩu vị mọi người.
Mì vớt ra được dùng với nước xốt Tsuyu có hương vị đặc biệt. Đây là loại nước xốt làm từ katsuobushi (một loại cá ngừ khô bào), có vị mặn của nước tương, nhưng vị ngọt của thịt cá. Có thể tăng thêm hương vị với hành lá hay hành tây cắt nhuyễn, gừng, mù tạt wasabi.
Món ăn hấp dẫn không phải bởi chính hương vị đặc biệt hay lối chế biến cầu kỳ mà chính ở cách thưởng thức độc nhất vô nhị. Người Nhật thường tổ chức dùng Nagashi Somen vào dịp lễ hội mùa hè, ở ngoài trời như công viên hay sân vườn, đây còn là dịp để họp mặt gia đình và bạn bè. Riêng thực khách từ nước ngoài có thể dùng mì nước chảy Somen lạnh trong các nhà hàng tại Nhật.