Sơ cứu người bị điện giật

Tai nạn điện giật thường xảy ra khi mạch điện bị hở, con người vô ý chạm vào dẫn tới nguy hiểm.

Người bị tai nạn điện giật nếu được cấp cứu kịp thời, đúng phương pháp, nạn nhân sẽ có khả năng được cứu sống, đồng thời giảm mức độ bỏng và những thương tổn bên trong. Khi bị điện giật, nạn nhân gặp nguy hiểm nên nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ gây tử vong. Dưới đây, Yingnews chia sẻ các bước sơ cứu cần thiết trong trường hợp bị tai nạn điện giật.

Tách nạn nhân ra khỏi mạch điện

Điện: Trước tiên, bạn cần lập tức ngắt nguồn điện và tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. Trong trường hợp không cắt được mạch điện, người cứu nên đứng trên bàn, ghế hoặc tấm gỗ khô, đi dép cao su, đeo găng cao su để kéo nạn nhân ra.

Nếu không có các phương tiện cách điện trên, bạn dùng gậy gỗ, nhựa, thanh tre khô gạt dây điện hoặc đẩy nạn nhân ra. Mặt khác, bạn có thể dùng tay khô có bọc lót ni lông, bìa giấy khô… nắm vào phần áo, quần khô của nạn nhân để kéo ra. Tuyệt đối không chạm trực tiếp vào người nạn nhân vì người cứu cũng sẽ bị điện giật. Nếu nạn nhân đang ở nơi có nhiều nước thì cần đưa ra khỏi vùng nước và ủ ấm.

Cấp cứu nạn nhân tại chỗ

Khi bị điện giật, dòng điện sẽ gây cháy bỏng và co rút các cơ bắp tạo nên cảm giác đau nhức, khó thở và rối loạn nhịp tim.

tach-nan-nhan-ra-khoi-dong-dien-va-so-cuu

Khi nạn nhân chưa mất tri giác, chỉ bị hôn mê trong giây lát, tim còn đập, thở yếu: Đưa nạn nhân đến chỗ thoáng khí, yên tĩnh chăm sóc cho hồi tỉnh. Nếu nạn nhân mất tri giác nhưng vẫn còn thở nhẹ, bạn nới rộng quần, áo, thắt lưng, móc nhớt dãi trong miệng nạn nhân ra, xoa toàn thân cho nóng lên, sau đó đưa đến sở y tế gần nhất.

Khi nạn nhân không còn thở, tim ngừng đập, co giật: Tiến hành hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt ngay, phải làm liên tục, kiên trì cho đến khi gặp bác sĩ. Việc tích cực hô hấp nhân tạo kịp thời và đúng cách khi nạn nhân có những dấu hiệu trên sẽ giúp cứu sống nạn nhân.

Đặt nạn nhân ở nơi thoáng, trên nền cứng, tránh đặt trên giường có độ lún như giường nệm, đệm lò xo sẽ làm cho việc nhấn ngực không có tác dụng. Sau đó hà hơi thổi ngạt kết hợp ép tim ngoài lồng ngực bằng các động tác sau:

  • Người cứu đứng (hoặc quỳ) bên cạnh nạn nhân, đặt chéo hai bàn tay lên 1/3 dưới xương ức, giữa ngực nạn nhân rồi dùng cả sức mạnh thân người ấn nhanh, mạnh, làm lồng ngực nạn nhân bị nén xuống. Sau khoảng 1/3 giây, buông tay ra để lồng ngực nạn nhân trở lại bình thường. Làm như vậy từ 80-100 lần/phút.
  • Vừa ép tim vừa hà hơi, thổi ngạt. Người cứu dùng tay bịt mũi nạn nhân, một tay giữ miệng nạn nhân há ra (nếu thấy lưỡi bị thụt vào thì kéo ra), hít thật mạnh rồi ghé sát miệng vào miệng nạn nhân thổi cho lồng ngực phồng lên hoặc bịt miệng để thổi vào mũi nạn nhân khi không thổi vào miệng được.
  • Cứ 15 lần ép tim chuyển sang hà hơi, thổi ngạt 2 lần. Kết hợp hai động tác nhịp nhàng với nhau, nếu không động tác này sẽ phản lại động tác kia. Sau 2-3 phút, bạn nên dừng lại một giây để kiểm tra tình hình và làm liên tục đến khi nạn nhân tự thở hoặc bác sĩ đến.

Trong điều kiện bình thường, con người tiếp xúc trực tiếp với điện áp xoay chiều có điện thế trên 42V sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Mức độ nguy hiểm của tai nạn điện giật phụ thuộc vào mức điện thế của dòng điện (dòng điện xoay chiều hoặc một chiều) hay chỗ tiếp xúc (mô xương ít nguy hiểm hơn mô da, đặc biệt là da ẩm).

Bạn cần lưu ý:

Nhiều trường hợp khi thấy nạn nhân bị bỏng, người nhà tạt nước vào làm cho điện trở giảm từ 10-15 lần, dẫn đến thương tổn nặng nề hơn. Ngoài ra, tránh áp dụng các biện pháp như cạo gió, xoa dầu… Những cách này càng làm mất thời gian trong việc cấp cứu.

Để đề phòng điện giật, bạn cần tuân thủ các quy tắc sử dụng điện an toàn, ngắt nguồn khi sửa điện, các ổ cắm, thiết bị điện cần để xa tầm với của trẻ em. Trẻ em rất hiếu động và tò mò. Trong khi chơi đùa, chúng hay sờ vào các thiết bị sử dụng điện như tủ lạnh, nồi cơm, quạt… Điều này vô cùng nguy hiểm nếu nguồn điện bị hở hoặc nhiễu.