Học hiệu quả ngay khi mới vào lớp 1

Nếu ở lớp mẫu giáo, hoạt động chủ đạo của trẻ là vui chơi thì vào lớp 1, trẻ chủ yếu là học văn hóa. Do đó, cha mẹ cần chuẩn bị cho con một số kỹ năng để dễ dàng bắt nhịp với hoạt động mới.

  • Buổi tối, cha mẹ có thể cùng con tập nhận mặt chữ, tập tô, điều chỉnh cách cầm bút để trả làm quen dần với việc học, hình thành thói quen tốt.
  • Không nên yêu cầu trẻ ngồi học trong thời gian quá lâu, tránh nôn nóng, quát mắng, tạo áp lực cho trẻ dẫn đến tâm lý lo sợ, mất hứng thú với việc học.
  • Tùy theo khả năng tiếp thu của con mà cha mẹ tìm ra phương pháp, cách thức tác động, kích thích trí tuệ phù hợp. Khi được khen ngợi, trẻ sẽ có niềm tin và hứng thú để học tập tốt hơn.

hoc-hieu-qua-ngay-khi-vao-lop-1

Khi chính thức bước vào lớp 1, nhiều trẻ gặp khó khăn với việc học, xuất hiện tâm lý ngại học, sợ đi học. Cha mẹ cần kiên nhẫn cùng con làm quen với việc học, tìm ra phương pháp hỗ trợ, hướng dẫn thích hợp. Có thể khơi dậy niềm ham học tập ở trẻ bằng những cách thức sau:

  • Sớm chủ động dạy con về những điều mới lạ phù hợp với nhận thức của trẻ, không nên cho rằng con còn quá nhỏ, nghe sẽ không hiểu. Việc thường xuyên cho con đi khu vui chơi, tham quan viện bảo tàng… cũng có thể khơi dậy lòng ham học hỏi ở bé.
  • Hãy để bé hiểu rằng học tập là một nghĩa vụ của tất cả mọi người, chỉ cho con thấy việc học tập bây giờ có liên quan đến tương lai sau này. Cha mẹ cũng có thể kể cho trẻ nghe về những kinh nghiệm của bản thân, như vậy trẻ sẽ học một cách tự nguyện và ham thích hơn.
  • Cổ vũ, khích lệ: Khi con làm tốt, cha mẹ nên khen ngợi, nhưng nếu bé làm chưa tốt thì cha mẹ cũng nên nhìn thấy sự cố gắng của bé. Hãy thường xuyên khích lệ trẻ ở đúng mức mà trẻ đã đạt được để khuyến khích sự cố gắng vươn lên của con. Có thể đặt ra cho con những mục tiêu trong tuần, trong tháng, nếu con đạt được thì sẽ được thưởng một món đồ chơi mà trẻ thích hay được đi khu vui chơi…
  • Giúp trẻ loại bỏ những gánh nặng về tư tưởng: Trước khi con đến tuổi đi học, cha mẹ không nuôi dưỡng sự hứng thú đối với học tập của bé. Lúc bé đến tuổi đi học rồi, cha mẹ thay đổi hẳn thái độ, yêu cầu con học với lịch học kín cả ngày. Áp lực xảy ra đột ngột, không kịp thích ứng sẽ khiến trẻ sợ học. Vì thế, cha mẹ nên chú ý sớm dành cho con một khoảng thời gian nhất định để thích nghi với việc học, tạo ra môi trường thoải mái và hứng thú học tập cho trẻ.
  • Sắp xếp phù hợp thời gian học và chơi của trẻ: Nếu cha mẹ yêu cầu con đi học trong lúc bé đang xem một chương trình tivi ưa thích, thì trẻ sẽ không vui, thậm chí có thái độ phản kháng, học sẽ không hiệu quả. Do đó, cha mẹ nên sắp xếp thời gian học phù hợp với đồng hồ sinh học của trẻ, với sinh hoạt trong gia đình, tạo thói quen ngồi vào bàn học đúng giờ, ưu tiên không gian yên tĩnh cho con học.
  • Giúp trẻ nắm được những phương pháp học hiệu quả và khoa học, phù hợp với khả năng nhận thức: Có nhiều đứa trẻ vì quá vất vả mà dần trở nên ngại học, chán học. Cha mẹ nên kiên trì giúp con tìm ra nguyên nhân để sớm khắc phục. Mỗi ngày cần dành thời gian cùng học với con, tránh la mắng, tỏ thái độ buồn phiền thất vọng về trẻ, làm như vậy trẻ càng thiếu tự tin vào bản thân và việc học càng khó khăn, nặng nề hơn.

Để con làm quen với việc học, biết cách học, hứng thú với học tập, cần có sự đồng hành của cha mẹ với tình yêu và phương pháp giáo dục phù hợp.