Giao tiếp giúp trẻ mở mang kiến thức, dễ dàng khám phá thế giới xung quanh và tạo cho trẻ nhiều cơ hội để phát triển trí tuệ cũng như những kỹ năng quan trọng khác trong cuộc sống. Muốn trẻ nhỏ luôn tự tin khi giao tiếp, cha mẹ hãy tham khảo những lời khuyên sau đây.
Bắt đầu dạy con càng sớm càng tốt
Bắt đầu dạy trẻ cách giao tiếp càng sớm sẽ càng giúp trẻ tự tin. Thậm chí, các chuyên gia tâm lý khuyên cha mẹ nên trò chuyện với con ngay từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ vì minh chứng khoa học cho thấy trí não của trẻ rất phát triển, các giác quan của bé có khả năng cảm nhận lời nói, cử chỉ yêu thương của cha mẹ từ thế giới bên ngoài.
Sau khi con chào đời thì cha mẹ cần tiếp tục duy trì thói quen trò chuyện với trẻ, cần phải chú trọng cả những hành động phi ngôn ngữ như củ chỉ tay chân, nét mặt, cách trẻ muốn người khác hiểu được những mong muốn bản thân như đói, đau, buồn, vui… Khi ở nhà, cha mẹ hãy dành thời gian để nói chuyện cùng với con như dạy con nói đủ câu, câu có nghĩa: đọc truyện sau đó đặt câu hỏi cho con để bé trả lời, hát cùng con, đưa ra nhiều tình huống phản xạ trong sinh hoạt hằng ngày.
Tôn trọng trẻ
Nhiều bậc cha mẹ khi trò chuyện với con cái thường bắt ne bắt nét, dọa nạt hoặc dùng uy quyền của người lớn để ép con cái phải nghe theo lời mình. Nếu không nhìn nhận vấn đề này đúng đắn thì không ai khác mà chính là cha mẹ đã luôn tạo cho con cảm giác sợ hãi, hình thành tính cách nhút nhát vì bất cứ khi nào trẻ muốn bày tỏ quan điểm đều bị cha mẹ gạt đi và bác bỏ ngay khi bé mới mở lời.
Cha mẹ cần phải học cách tôn trọng con, biết lắng nghe lời con trẻ và phân tích vấn đề đúng sai, đưa ra lời khuyên hữu ích. Hãy nhớ rằng, trẻ có quyền yêu cầu người khác tôn trọng và không tha thứ cho người khác nếu họ không làm điều ấy. Phụ huynh tôn trọng con cái trong khi giao tiếp cũng đồng nghĩa rằng cha mẹ đang cải thiện tính cách, kỹ năng giao tiếp của con.
Dạy trẻ cách đặt câu hỏi
Hãy nói với con rằng khi có bất cứ vấn đề gì con không hiểu cặn kẽ hoặc còn thắc mắc thì phải mạnh dạn hỏi để nhận được câu trả lời thỏa đáng. Nếu câu trả lời đó làm con không thỏa mãn thì tiếp tục đặt vấn đề. Con cũng có quyền bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân. Sự động viên, khích lệ của cha mẹ trong những trường hợp này sẽ giúp con tự tin hơn rất nhiều.
Cho con tham gia nhiều hoạt động
Trẻ không thể giao tiếp tốt nếu suốt ngày chơi một mình mà cần phải giao lưu với nhiều người, nhiều môi trường khác nhau. Những hoạt động ngoại khóa, từ thiện, vui chơi, thể dục, thể thao hay các kỳ thi sẽ giúp con bạn dần cải thiện bản tính nhút nhát, ít nói. Thông qua các hoạt động đó, trẻ sẽ dễ dàng thích nghi với môi trường xung quanh, dễ dàng bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình, từ đó giúp trẻ tự tin trong giao tiếp.
Kiên trì
Đừng đòi hỏi trẻ phải sớm thành thạo những kỹ năng giao tiếp như bạn muốn, bởi đây là một quá trình lâu dài cần phải có thời gian để trẻ tự hoàn thiện mình hơn. Hãy bắt đầu dạy con bằng những kỹ năng giao tiếp đơn giản, các câu chào hỏi, cảm ơn thông thường rồi dần dần “nâng cấp” vấn đề lên.
Hãy là “hoa tiêu” sáng suốt
Con sẽ học mọi thứ từ cha mẹ. Cho nên trước khi than phiền rằng con rụt rè trong giao tiếp, hay không đủ can đảm để khám phá, học hỏi thêm những điều mới lạ, bạn cần nghiêm khắc xem lại chính bản thân mình. Ví như khi đi đến đâu đó, bạn hãy là người “tiên phong” chào hỏi mọi người, giao tiếp lễ phép với người lớn tuổi, lịch sự với những người xung quanh. Đừng bao giờ chửi thề, văng tục, ăn nói cộc lốc, thô thiển trước mặt con trẻ vì cha mẹ luôn là “tấm gương” khiến con dễ học theo nhất.