Lần chia ly sau cuối

Sống hạnh phúc bên nhau từ giã cõi đời cùng một ngày. Khi kết hôn ai chẳng mơ như thế, dẫu biết rằng đời chẳng phải là mơ.

Chết trong tình yêu không phải chỉ là đặc quyền của tuổi trẻ say mê, cuồng nhiệt mà cũng là niềm mơ ước của những người đã đi qua mấy mùa trăng. Sức mạnh của thứ tình yêu đã trải qua đủ đắng, cay, ngọt, bùi có khi còn lưu dấu ấn mạnh mẽ hơn cả mối tình đầu lãng mạn.

lan-chia-ly-sau-cuoi

Ai bảo tình yêu của đàn ông không sâu nặng như đàn bà? Một khi câu chuyện cổ tích kết thúc và để lại chỉ một người, nỗi đau buồn và thiếu vắng có thể khiến đàn ông trở nên yếu đuối chẳng khác gì một đứa trẻ lên năm.

Không thể thiếu bàn tay chăm sóc

Một số nhà nghiên cứu cho rằng đàn ông khó quen với cảnh sống thiếu vợ khi mà suốt một quãng thời gian dài, họ đã luôn được người phụ nữ của mình quan tâm, săn sóc. Nhìn chung, đàn ông tự tổ chức cuộc sống kém hơn phụ nữ.

Sau khi mất vợ, có người ăn uống thất thường hoặc không nuốt nổi những thức ăn do họ tự làm. Có người thức quá khuya và giải khuây bằng cách hút thuốc lá, uống rượu thả phanh. Khi không còn ai nhắc nhở, họ sẽ để cho hai kẻ thù của cơ thể song kiếm hợp bích, mặc sức đẩy chuyến tàu sang bên kia thế giới chạy nhanh hơn.

Còn lại cuộc sống cô đơn, nhiều người rơi vào trầm cảm, tuyệt vọng. Các nhà nghiên cứu ở Úc phát hiện sự ra đi của người thân yêu làm tăng nguy cơ đau tim gấp sáu lần và thời gian để xoa dịu nỗi đau này thường kéo dài khoảng hai năm. Phải chăng đó cũng là nghĩa đen của cụm từ “trái tim tan vỡ”?

Trưởng nhóm nghiên cứu Thomas Buckley cho hay: “Nỗi mất mát khiến huyết áp của đàn ông tăng và tim cũng đập nhanh hơn, cộng thêm những thay đổi trong hệ thống miễn dịch khiến họ dễ lên cơn đột quỵ”.

Như vậy, các cơ chế của sự đau buồn tác động tới hệ thống tim mạch ở cả hai phái nhưng thật tế, phụ nữ lại có khả năng chịu đựng và vượt qua nỗi buồn tốt hơn so với nam giới.

Khó tìm thấy niềm vui

Nhà thơ Tây Ban Nha Juan Ramon Jimenez, nhận giải Nobel Văn học năm 1956, đã viết rằng giải thưởng đó thuộc về vợ ông. “Nếu không có sự giúp đỡ của bà ấy, không có nguồn cảm hứng ấy, tôi đã không thể sáng tác suốt hơn bốn mươi năm nay. Bây giờ, bà ấy không còn nữa, tôi rơi vào cô đơn và bất lực”.

Người vợ thân yêu của ông đã qua đời vì bệnh ung thư đúng vào năm ông nhận giải Nobel 1956. Lẽ ra sau khi nhận giải, nhà thơ sẽ sống vui vẻ và hạnh phúc hơn nhưng sức khỏe của ông vẫn không thể phục hồi vì mất mát quá lớn. Hai năm sau, ông cũng từ giã cõi đời trong cùng bệnh viện mà bà đã ra đi.

Từ mấy năm trước đây, trong tạp chí y học The Lancet, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Utrecht (Hà Lan), đã phát hiện: Sau khi vợ qua đời, nam giới có nguy cơ tử vong cao hơn 21% so với những người còn vợ. Trong khi đối với phụ nữ, con số này chỉ là 17% nếu chẳng may chồng họ có cập bến bờ của thế giới bên kia.

Các dữ liệu thu thập được cho thấy những người đàn ông góa bụa có tỷ lệ tử vong cao nhất trong những tháng đầu tiên sau khi mất vợ. Nỗi đau giảm dần theo thời gian. Những người mới vĩnh biệt vợ có nguy cơ tử vong cao hơn những người đã chịu đựng được một thời gian dài.

Đàn ông ngoài 60 tuổi sau khi mất vợ, tự tử nhiều gấp ba lần những ông còn vợ. Trong khi đó, các nhà khoa học không quan sát thấy xu hướng này ở những phụ nữ cùng nhóm tuổi. Sau cái chết của người vợ từng chung sống nhiều năm, đàn ông cảm thấy một cuộc sống lay lắt, không người chia sẻ thật khó chịu.

Tuổi nào cũng còn yêu

Có thể bạn cho rằng những biểu hiện trên không phải là bản chất của tình yêu mà chỉ là một thói quen bình thường. Nếu nghĩ thế, có thể bạn đã lầm. Một khảo sát của trang web missus.ru (Nga) cho thấy: Tình yêu chẳng hề phai nhạt sau nhiều thập niên chung sống và sự hiện diện của người bạn đời không đơn giản chỉ là lẽ thường tình.

Thực ra, tình yêu không có tuổi và cho dù đã hai thứ tóc trên đầu, người ta vẫn còn yêu. Các nhà khoa học đã kiểm tra điện não đồ ở những người góa bụa từng có cuộc hôn nhân kéo dài mấy mươi năm và xác nhận: Họ vẫn còn rung động khi nhìn lại những tấm ảnh của người bạn đời đã khuất.

Hóa ra, tình yêu đã đồng hành với con người trong suốt cuộc hành trình của hôn nhân, đến cả cái chết cũng không hoàn toàn chia lìa được. Và điều ngạc nhiên là phái mạnh lại tỏ ra yếu đuối hơn phái yếu trong cuộc chia ly cuối cùng này.

Vì vậy, đừng bao giờ cho rằng người cha vĩ đại của bạn sẽ tiếp tục vượt qua mọi sóng gió như thuở ông còn có người bạn đời đồng hành. Hãy thay thế mẹ làm những điều mà bà vẫn thường làm cho ông để xoa dịu nỗi quạnh hiu tuổi xế chiều và giúp ông tập quen với một cuộc sống khác.

“Tình yêu của tuổi trẻ dữ dội và dễ tắt như ngọn lửa. Tình yêu của những trái tim già dặn thì cháy âm ỉ và bền bỉ như than”.