Các phần trước:
- Trọn bộ bí kíp để hiểu hơn về bé: 3 tháng đầu tiên
- Trọn bộ bí kíp để hiểu hơn về bé: 3 đến 6 tháng tuổi
Sau khi chào đời, tháng thứ 6 là khoảng thời gian đánh dấu những chuyển biến rõ nét của trẻ sơ sinh cả về thể chất và não bộ. Vậy khi trẻ 6 tháng tuổi, bé phát triển như thế nào, biết làm những gì và cần phải chăm sóc như thế nào?
Giai đoạn phát triển của bé 6 tháng tuổi
Tuần 1: Bé bắt đầu trở nên hiếu động hơn, thích những bộ quần áo thoải mái. Hãy lựa chọn loại vải mềm để không chà xát cơ thể bé khi cử động. Những bộ đồ rộng rãi, co giãn và dễ thở sẽ cho bé nhiều không gian để vận động hơn.
Tránh những quần áo có chất liệu thô hoặc có mép may cộm ngứa hay có những dây cột dài vì có thể gây nghẹt thở cho bé và bất kỳ những gì có thể ảnh hưởng đến bé lúc ngủ và lúc chơi đùa.
Tuần 2: Lúc này bé có xu hướng hay dùng một bàn tay trong một khoảng thời gian và sau đó lại chuyển sang bàn tay kia. Bạn không thể nói được là bé thuận tay trái hay phải cho đến khi bé 2 hoặc 3 tuổi.
Đừng cố gắng tác động đến việc ưu tiên dùng tay của bé 6 tháng tuổi vì việc này đã được hình thành trước khi bé chào đời. Ép buộc bé sử dụng một tay khi bé có xu hướng sử dụng tay kia có thể khiến bé nhầm lẫn và dẫn đến những vấn đề trong tương lai về phối hợp tay và mắt, sự khéo tay và chữ viết tay.
Tuần 3: Bé đã có thể tập tự ăn bằng tay, hãy để vài mẩu thức ăn trên khay ăn của bé hoặc cho bé những miếng nhỏ thức ăn của bạn để kích thích vị giác phát triển. Trên hết, mẹ cần rà soát lịch sinh hoạt để tìm ra thời gian nghỉ ngơi ít ỏi cho mình.
Bạn sẽ gặp nhiều thử thách và cần chú ý hơn khi cho bé ăn. Bằng cách chộp lấy chiếc thìa bạn đang cầm trên tay hay giật thức ăn ra khỏi đĩa, bé đang cho bạn biết rằng bé đã sẵn sàng để thử ăn bằng tay. Hãy để vài mẩu thức ăn nhỏ trên đĩa để bé tập ăn. Tốt nhất bạn nên dùng đĩa nhựa hoặc chất liệu không vỡ.
Để làm giảm nguy cơ mắc nghẹn, bạn nên cho bé ăn khi đặt bé ngồi thẳng trong một ghế cao thay vì nằm dựa vào ghế ngồi xe hơi hoặc xe đẩy.
Tuần 4: Bé sẽ có xu hướng bị cuốn hút bởi những con thú nhồi bông lớn và nhỏ. Một trong số đó thậm chí trở thành vật yêu thích của bé. Hẳn nhiên vật cưng này sẽ sớm dính đầy mũi dãi và theo bé đi khắp mọi nơi.
Đừng lo lắng vì một vật cưng “đáng yêu” như vậy có thể là dấu hiệu của tính độc lập đang hình thành. Bé 6 tháng tuổi đang tập tách dần khỏi bạn một cách chậm rãi và chắc chắn bé sẽ trở nên độc lập hơn. Khi thêm một thành viên mới vào gia đình thú bông, hãy tìm loại đồ chơi mềm, được may chắc chắn. Những đồ chơi lành mạnh khác có thể là các loại bóng cỡ vừa và lớn, đồ chơi xây tổ, đồ chơi thú bật và những con búp bê lớn.
Một cách để biết bé có đồ chơi yêu thích không là bạn thử lấy chúng đi. Bạn sẽ thấy biểu hiện phản đối của bé khi lấy đi thứ gì mà bé thật sự thích.
Giai đoạn phát triển của bé 7 tháng tuổi
Tuần 1: Đa số các bé đã có thể bắt đầu tự bốc ăn bằng tay trong khi một số trẻ khác có thể bắt đầu muộn hơn vào lúc 10 tháng tuổi. Khi đến giai đoạn này, bạn có thể thử cho bé tập uống nước bằng bình có quai. Loại bình nước này thường có van ở nắp để bạn có thề điều chỉnh lượng nước nhiều hay ít. Nếu bé gặp khó khăn trong việc hút nước từ vòi, hãy tháo nắp để bé uống trực tiếp từ cốc.
Vận động và tiếp xúc với thế giới nhiều hơn khiến bé dễ bệnh hơn. Mẹ đừng xem nhẹ trực giác của mình, hãy lưu ý với bác sĩ và kiên trì đến khi mọi nghi ngờ về sức khỏe của bé được giải đáp thỏa đáng.
Tuần 2: Bạn sẽ có lúc phải nhắc nhở hay la bé rằng điện thoại của mẹ không phải là đồ chơi, bé không được vứt trống lắc hoặc không được giật tóc của chị. Ở tháng tuổi này, bé sẽ bắt đầu từ chối làm theo những mệnh lệnh của bạn. Điều này không có nghĩa là bé trở nên cứng đầu, chỉ là do bé tò mò cách phản ứng của bạn mà thôi.
Nhớ rằng bé không thể nhớ những gì bạn đã nói với bé. Khi dạy bé, bạn chỉ cần là dùng một từ đơn giản “Không” và sau đó hướng bé qua việc khác để bé quên đi việc vừa xảy ra.
Tuần 3: Lúc này răng bé bắt đầu mọc. Thời kỳ mọc răng của bé kéo dài trong khoảng từ 3 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi. Hầu hết các bé nhú chiếc răng đầu tiên, đặc trưng là 2 chiếc răng giữa hàng dưới, vào lúc từ 4 đến 7 tháng tuổi. Nhiều bé bị sốt cao khi mọc răng. Để giúp con giảm bớt khó chịu, mẹ nên chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt, khăn và nước ấm để lau mát
Đừng lo lắng nếu có khoảng cách giữa những chiếc răng sữa. Răng thường mọc ra từ nướu ở những góc kỳ lạ và các khoảng trống thường biến mất vào lúc 3 tuổi sau khi 20 chiếc răng sữa đã xuất hiện. Khi bắt đầu mọc răng, bé sẽ có nhiều nước dãi và la hét nhiều hơn. Bạn cũng sẽ như vậy nếu phải điều chỉnh khi có những thứ mới lạ trong miệng mình.
Tuần 4: Cảm xúc của bé đã trở nên rõ ràng hơn. Trong vài tháng nữa, bé có thể học cách đánh giá và bắt chước tâm trạng và sẽ cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự đồng cảm. Ví dụ, nếu nghe thấy tiếng khóc, bé có thể sẽ khóc theo. Ngay cả khi chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về cảm xúc của mình, bé đang tiếp nhận mọi thứ từ bạn. Trong nhiều tháng (và năm) tiếp theo, bé có thể sao chép cách bé thấy bạn đối xử với mọi người.
Giai đoạn phát triển của bé 8 tháng tuổi
Tuần 1: Bé bắt đầu hiếu động, sẽ có những đồ vật xung quanh bé rơi hoặc đổ vỡ. Đây là một phần tất yếu khi bé phát triển. Mặc dù đôi khi bạn bị thót tim, nhưng bạn cần cố gắng để thưởng thức xem bé 8 tháng tuổi khám phá xung quanh và phát hiện những giới hạn của mình.
Kiềm chế mong muốn bảo vệ bé, để bé tự lớn lên và học hỏi. Tuy nhiên, nỗ lực để khiến ngôi nhà của bạn an toàn cho con. Cách tốt để thực hiện điều này là đặt mình vào vị trí của bé để tìm ra những khu vực có thể gây nguy hiểm, chẳng hạn giữ những đồ vật dễ vỡ an toàn để không bị ngã đổ và cất những đồ nội thất dễ hư, gãy trong những phòng khóa kín.
Tuần 2: Bé khám phá các đồ vật bằng cách lắc, đập, thả và ném, thậm chí là ngậm chúng. Nên để những vật dụng an toàn, không dễ vỡ ở gần bé để con bạn có thể thỏa sức tìm hiểu.
Bé cũng sẽ bị mê hoặc bởi những đồ chơi có tính năng đặc biệt, như điện thoại. Nếu bé có thể tự giữ nó bên tai, hãy làm như vậy cho bé và giả vờ như có một cuộc trò chuyện. Trong vài tháng tới, bé sẽ bắt đầu sử dụng những đồ vật theo mục đích của nó như chải tóc, uống nước bằng cốc, nói chuyện trên điện thoại đồ chơi của bé.
Tuần 3: Thị lực của bé trước đây ở khoảng 20/40, nay đã phát triển gần như người lớn về mức độ rõ ràng và độ sâu. Bé 8 tháng tuổi có thể nhìn tốt nhất ở tầm gần, thị lực tầm xa của bé cũng đủ tốt để nhận ra mọi người và các vật trong phòng. Một đứa bé 8 tháng tuổi có thể nhìn thấy món đồ chơi ở góc xa và bò về hướng đó. Màu mắt bé đã ổn định và gần giống với màu mắt khi lớn lên, mặc dù sau đó bạn sẽ thấy có một vài thay đổi.
Tuần 4: Khi bé bắt đầu chập chững tập đi, bạn thường thắc mắc có nên mang giày cho bé không. Hầu hết các bác sĩ và chuyên gia về phát triển đều cho rằng không cần thiết cho đến khi bé đi vững và đi lại nhiều bên ngoài.
Thật bình thường khi bé 8 tháng tuổi của bạn bước đi xiêu vẹo. Đi chân trần có thể giúp tăng cường cơ bắp chân của bé. Việc cảm nhận những bề mặt tiếp xúc dưới chân có thể giúp bé giữ cân bằng.