Trọn bộ bí kíp để hiểu hơn về bé: 9 đến 12 tháng tuổi

Các phần trước:

 
Bắt đầu từ giai đoạn 9 tháng tuổi bé sẽ hiếu động và thích khám phá hơn. Bé biết trườn để di chuyển khắp sàn. Bé thậm chí dùng mông để di chuyển, tập bò và leo trèo khắp nơi. Tất cả các hoạt động này đều giúp cho kĩ năng di chuyển của bé ngày một tốt hơn. Hãy cũng xem giai đoạn phát triển của bé cụ thể như thế nào nhé.

Giai đoạn phát triển của bé 9 tháng tuổi

be-9-thang-tuoi

Tuần 1: Đây là giai đoạn mà bạn dù để bé ở nhà hay đưa bé cùng đi ra ngoài cũng đều khó khăn với bạn và bé. Bé đã quen thuộc với không gian xung quanh và những gương mặt thân quen, vì vậy việc di chuyển trên đường có thể phá vỡ cảm giác an toàn và thói quen của bé, nhất là khi đến một nơi mới hoặc gặp nhiều người lạ.

Bé không nắm bắt được khái niệm đi du lịch, nhưng bé nhận ra mình ở một nơi xa lạ. Bé có thể trở nên cáu kỉnh, bạn nên chuẩn bị nhiều trò tiêu khiển cho bé như truyện tranh, đồ chơi phát ra tiếng, khối xếp hình, con rối… và tất nhiên cả vật cưng của bé. Nên giảm thời gian gặp những người lạ để bớt căng thẳng cho bé.

Bạn nên mang theo chiếc chăn thân thuộc hay một món đồ chơi ưa thích của bé trong những chuyến đi xa hay khi bắt đầu cho con đi nhà trẻ để giúp bé an tâm khi tiếp xúc với môi trường mới

Tuần 2: Ở giai đoạn này, bé sẽ bắt đầu ghi nhớ thông tin cụ thể hơn, ví dụ như chỗ để đồ chơi. Bé có thể nhại lại những hành động đã thấy từ tuần trước.

Bé đã có ký ức dù chỉ là khả năng nhớ những chi tiết trong thời gian ngắn. Bé vẫn chưa nhớ hầu hết những gì trải qua. Đến khi bé 2 hoặc 3 tuổi mới có thể nhớ lâu dài những sự việc xảy ra xung quanh.

Tuần 3: Những âm điệu, từ ngữ mà bé nghe được từ khi mới ra đời đã ảnh hưởng đến bé. Khi bước sang tháng thứ 10, bé bắt đầu có ý thức muốn sử dụng chúng. Những tiếng bập bẹ của bé giờ chuyển sang huyên thuyên và bắt đầu nghe hơi giống những từ, cụm từ và câu thật sự. Bé sẽ nghĩ là mình đang nói ra điều gì đó, vì vậy bạn hãy đáp lại như thể đang hiểu điều bé nói.

Khi bé 9 tháng tuổi, bé vẫn còn hiểu ngữ điệu của bạn nhiều hơn là lời nói. Bé biết khi nào bạn hài lòng, khi nào bạn tức giận. Nên tận dụng mọi lúc như trò chuyện trực tiếp với bé, nói với bé trong lúc làm việc nhà… sẽ giúp bé học hỏi nhiều hơn về giao tiếp.

Tuần 4: Ở giai đoạn này, cá tính của bé đang dần bộc lộ rõ. Bé có thể rất hòa đồng, cười toe toét với tất cả mọi người bé gặp, hoặc hơi rụt rè, bẽn lẽn khi có người lạ muốn lại gần. Bé có thể rất mạnh dạn hoặc đánh giá tình hình cẩn thận trước khi làm việc gì. Bé thậm chí dễ nổi cáu hoặc thay đổi tâm trạng khá đột ngột.

Bé sẽ làm điệu bộ để bạn quan tâm và có thể vẫy tay tạm biệt khi nhìn thấy bạn đi ra cửa. Bé cũng có thể làm trái ý muốn của mẹ khi bạn cố gắng đặt bé ngồi vào ghế hoặc xe đẩy.

Giai đoạn phát triển của bé 10 tháng tuổi

be-10-thang-tuoi

Tuần 1: Bé sẽ có những câu nói ngô nghê và đáng yêu. Nhưng tốt nhất là cố gắng tránh xu hướng dùng lời của con trẻ, việc lặp lại lời bé có thể vui nhưng nghe những ngôn từ đúng sẽ tốt hơn cho sự phát triển của bé.

Bé chỉ mới bắt đầu hiểu được những từ và cụm từ đơn giản, vì vậy quan trọng hơn tại thời điểm này là thường xuyên nói chuyện với bé. Định hướng cho bé với những mẫu câu đúng bằng cách lặp lại cho bé những từ bé nói với ngôn ngữ của người lớn. Ví dụ, khi bé đòi một vật gì, nhẹ nhàng sửa phát âm của bé bằng cách hỏi lại: “Con muốn cái muỗng phải không?”.

Các mẹ hãy cố gắng tránh dùng lời của con trẻ, việc lặp lại lời bé có thể vui nhưng nghe ngôn từ đúng sẽ tốt hơn cho sự phát triển của bé.

Tuần 2: Hầu hết các bé có thể ngồi tự tin và thậm chí có thể đi bộ khi vịn lên đồ đạc một quãng ngắn và đứng mà không cần hỗ trợ. Bé sẽ bước từng bước khi có người giữ và sẽ cố gắng quơ lấy một thứ gì đó trong tầm với.

Sau thời điểm này bé sẽ trở nên độc lập hơn và việc trông giữ bé sẽ vất vả hơn với bạn. Hầu hết các bé tập đi vào khoảng 12 tháng tuổi, nhưng một số bắt đầu sớm hơn. Nếu con bạn chưa đi váo tháng này, đừng lo lắng vì vẫn còn sớm. Một vài bé đợi đến khi 18 tháng tuổi mới bắt đầu bước đi.

Tuần 3: Bé có thể đi chập chững khi bạn nắm tay bé, đưa cánh tay hoặc chân ra để giúp bạn mặc đồ cho bé dễ dàng. Trong giờ ăn, bé có thể tự uống bằng ly và tự đút ăn. Cũng có một số bé chưa làm tốt trong nhiều tháng hoặc một, hai năm tới.

Khi bé có thể tự uống bằng ly, bạn nên quan sát kỹ vì bé có khả năng quăng nó thay vì đặt xuống sau khi uống xong.

Tuần 4: Bé sắp tròn 11 tháng và bước sang tháng cuối cùng của năm đầu tiên trong cuộc đời. Hiện tại, bé có thể hiểu những chỉ dẫn đơn giản mặc dù có thể làm ngơ khi bạn nói “không”. Kinh nghiệm: Để lời nói có trọng lượng hơn, bạn hãy hạn chế nói “không” và chỉ dùng những lúc quan trọng.

Bé yêu có thể nhớ được những điều bạn nói. Vì vậy, đừng quên giúp con phát triển kỹ năng ngôn ngữ bằng cách nói chuyện thật nhiều và đọc truyện cho bé. Ngay cả khi ngày mai bé không nhớ được những gì bạn nói ngày hôm nay, bạn vẫn nên bắt đầu dạy bé những điều quan trọng, như đúng khác với sai, an toàn và không an toàn.

Giai đoạn cuối cùng năm đầu tiên của bé

be-11-thang-tuoi

Tuần 1: Bé giờ đây đang nói những âm từ rõ ràng hơn và có thể sử dụng một số từ đúng nghĩa. Não của bé đang tiếp tục phát triển trong giai đoạn này khiến khả năng lập luận và phát biểu của bé phát triển theo.

Tương tác với bé bằng cách trò chuyện và khuyến khích con đáp lại sẽ kích thích sự phát triển kỹ năng ngôn ngữ và tư duy của trẻ. Bạn có thể khuyến khích sự quan tâm đến ngôn ngữ và khả năng nghe hiểu của bé bằng những cuộc trò chuyện hai chiều mà bạn đóng vai trò người mong muốn lắng nghe và đáp lại bé. Để rèn luyện kỹ năng ghi nhớ của các bé 11 tháng tuổi, hãy bày những trò chơi như ú òa.

Tuần 2: Các bé ở giai đoạn này rất thích được xem sách và lật giở sách, mặc dù không phải lúc nào bé cũng có thể giở từng trang. Đặc biệt những cuốn sách với hình minh họa lớn nhiều màu sắc hoặc với những trang giấy dán cứng dày dặn để phù hợp với những ngón tay nhỏ xíu.

Để thêm đa dạng cho giờ đọc của bé và tìm ra những sách lôi cuốn nhất, chọn sách truyện dành riêng cho trẻ nhỏ 1 tuổi trong nhà sách.

Tuần 3: Là thời điểm tốt để mẹ có thể hướng dẫn về khái niệm giúp đỡ mặc dù bé chưa thể nắm bắt được ngay. Đến lúc chập chững đi, bé sẽ hào hứng giúp sắp xếp đồ chơi và nhặt những đồ ăn nhẹ vương vãi. Nhấn mạnh các từ “con giúp mẹ… nhé”, “cảm ơn con” để tạo cho bé thói quen lặp lại những từ này với bạn một ngày nào đó.

Mẹ đã có thể bắt đầu những bài học tuyệt vời về giúp đỡ và cảm ơn với trẻ 11 tháng tuổi, đồng thời mẹ cũng có thể tham khảo gợi ý tiết kiệm chi tiêu mua sắm thực phẩm trong gia đình

Tuần 4: Nếu bé vẫn chưa biết đi, chỉ trong thời gian ngắn nữa bé sẽ bước những bước đầu tiên. Thậm chí, nếu bé bắt đầu biết đi vào lúc 17 hoặc 18 tháng tuổi cũng hoàn toàn bình thường.

Bạn có thể khuyến khích bé tập đi bằng cách đứng hoặc quỳ trước mặt bé và đưa tay ra. Bạn có thể nắm cả hai tay bé và dẫn bé bước về phía bạn. Như những trẻ khác, bé sẽ bắt đầu những bước dài đầu tiên với cánh tay dang ra để giữ thăng bằng và khuỷu tay hơi cong, bàn chân của bé sẽ quay ra ngoài và bụng ưỡn về phía trước trong khi mông nhô ra phía sau. Tất cả các hành động này cũng là để giữ thăng bằng.

Bạn luôn phải đảm bảo cho bé có một môi trường an toàn để thực hành những kỹ năng mới. Bạn chú ý an toàn cho bé và không bao giờ để bé một mình. Hãy giữ máy ảnh sẵn sàng vì đây là lúc bạn có thể lưu giữ những hình ảnh đáng yêu nhất.